Mai Châu

NHỮNG ĐỊA ĐIỂM HẤP DẪN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI DU LỊCH MAI CHÂU

Đèo Thung Khe

Thuộc Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình đèo Thung Khe có độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển. Tại đây du khách có thể thưởng thức các món ăn dân dã được bày bán ven đường như: Ngô luộc, mía luộc, cơm lam chấm vừng,… Hơn nữa, từ đỉnh Thung Khe, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ thung lũng dưới chân đèo, được biết đây là một trong những nơi ngắm cảnh đẹp nhất tỉnh Hòa Bình.

Một góc đường Đèo Thung Khe.

Phong cảnh tuyệt đẹp nhìn từ Đèo Thung Khe

Bản Lác

Bản Lác có tuổi đời hơn 700 năm, dân ở bản Lác chủ yếu là người Thái đen sinh sống đời này qua đời khác với nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm là chính. Nơi đây như một món quà của núi rừng dành tặng những ai yêu thích sự bình yên, tĩnh lặng để cùng hoà mình vào không gian khoáng đạt mướt màu xanh của núi rừng Hoà Bình.

Ảnh:@camsuper

Hiện nay, bản Lác có gần 30 nhà nghỉ homestay rộng rãi, thoáng mát để làm dịch vụ, phục vụ cho nhu cầu tham quan của khách du lịch. Nhà sàn ở bản Lác cái nào cũng cao ráo, rộng rãi và sạch sẽ, giữ được lối kiến trúc cổ. Bên trong mỗi nhà làm dịch vụ đều trang bị đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng.

Ảnh:@huongng1807

Đi dạo một vòng trong bản, bạn sẽ không thấy bất kỳ hành động chèo kéo du khách hay mời mọc mua hàng. Các mặt hàng như khăn quàng cổ, váy xòe Thái, những chiếc ví xinh xắn, cung, nỏ, sáo trúc, mõ trâu, chiêng, tù và, sừng trâu… được bày bán trước cửa nhà, bạn có thể lấy để thử, chụp ảnh mà không sợ bị để ý hay than phiền, kể cả không mua cũng chẳng khiến chủ hàng buồn lòng.

Bản Pom Coọng

Giống như các bản làng khác của người Mường, người Thái, người dân của bản Pom Coọng thường sinh sống ở những nơi có sông, suối, làm nhà dựa lưng vào núi đồi, phía trước nhà thường là cánh đồng bao la.

Ảnh:@patrick.mcgregor

Điểm nhấn cuốn hút của Pom Coọng trong du lịch đó chính là không gian rất sạch sẽ, từ nguồn nước sạch, các công trình nước, nhà vệ sinh được làm quy củ tạo cho du khách cảm giác trong lành và an toàn. Bên cạnh đó, rác thải ở đây được phân loại, đựng trong thùng và sẽ được xử lý. Do vậy, đến đây, bạn sẽ cảm nhận được sự trong lành của đất trời và sự yên bình của cuộc sống.

Hang Mỏ Luông

Nằm trong hệ thống dãy núi Pù Khà của thị trấn Mai Châu, cách bản Lác khoảng 2 km đường bộ. Hang Mỏ Luông là một địa điểm du lịch lý tưởng cho những du khách thích khám phá và tìm cảm giác lạ khi đến với Mai Châu. Hang Mỏ Luông còn có một tên gọi khác do người Thái Trắng đặt là Bó Luông. Bó Luông có nghĩa là mỏ nước lớn. Hang Mỏ Luông gồm 4 động chính, nổi tiếng với hệ thống nhũ đá kết thành nhiều hình dáng độc đáo. Trong kháng chiến chống Pháp, nơi đây từng là căn cứ họp bàn của quân và dân ta. Sau khi kết thúc hành trình khám phá hang Mỏ luông, tại động cuối cùng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một suối nước ngầm chảy ra hồ gần đó.

Hang Mỏ Luông

Hang Chiều

Hang Chiều nằm trên đỉnh dãy núi đá vôi Pù Khà. Cái tên Hang Chiều được người dân Mai Châu đặt cho, bởi mỗi khi chiều về, ánh sáng mặt trời lại chiếu thẳng vào lòng hang, những tia sáng làm tô thêm vẻ lộng lẫy của thạch nhũ, tạo nên một cảnh đẹp như chốn bồng lai.

Hang Chiều khá rộng, được chia thành hai tầng, lòng hang tương đối bằng phẳng, thoáng mát.. Trong lòng hang là cả rừng thạch nhũ đẹp lung linh và huyền ảo. Những thạch nhũ có ở tứ phía, từ bên trái đến bên phải, và từ vòm trần rủ xuống với muôn dáng vẻ sinh động. Càng đi sâu vào hang, bạn sẽ càng thực sự bất ngờ trước vẻ đẹp lộng lẫy và kì vĩ của rừng thạch nhũ đua nhau khoe sắc. Tất cả đều hòa chung, tạo nên cảnh sắc của bức tranh hoành tráng mà thiên nhiên ban tặng cho Mai Châu.

Một góc của hang Chiều. Ảnh: ST

Chợ phiên Pà Cò

Chợ phiên Pà Cò cách thị trấn Mai Châu gần 40km về phía Bắc, nằm giữa trung tâm 3 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) và Loóng Luông (Mộc Châu, Sơn La). Chợ phiên Pà Cò chỉ họp vào ngày chủ nhật hàng tuần, khi sương mù còn mịt mùng khắp rừng, khắp núi, bà con người H’Mông vùng cao Mai Châu đã hăm hở xuống chợ. Chợ phiên vùng cao nơi đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu của bà con vùng cao.

Ảnh: iVIVU.com

Ảnh: iVIVU.com

Chợ phiên Pà Cò mặc dù diễn ra mỗi tuần một lần, nhưng rộn rã và tấp nập như ngày hội, ngày chợ Tết dưới xuôi. Chợ bày bán đủ thứ, tới đây du khách sẽ bị “choáng ngợp” bởi hàng loạt các sản phẩm từ nông sản, vật nuôi, vải vóc, đồ thổ cẩm, nông cụ cho đến cả đồ gia dụng, điện tử, đĩa nhạc, mỹ phẩm…

Ảnh: iVIVU.com

Ảnh: copy

Chợ phiên Pà Cò tọa lạc tại xã Pà Cò huyện Mai Châu. Từ trung tâm thị trấn Mai Châu bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc xe ô tô riêng theo đường quốc lộ 6 để đến đây.

Ảnh: copy

Ảnh: copy

Ngoài ra, để thuận tiện cho việc thăm chợ và các bản làng xung quanh, bạn có thể đặt tour tham quan chợ phiên Pà Cò tại khách sạn Mai Châu LodgeKhi đặt tour tham quan tại Mai Châu Lodge, ngoài việc ghé thăm chợ, hướng dẫn viên địa phương sẽ đưa bạn vào thăm đồi chè, các bản làng dân tộc ở khu vực Hang Kia, cũng như khám phá những điểm hấp dẫn chỉ người địa phương mới biết.

NHỮNG MÓN NGON KHÔNG NÊN BỎ QUA KHI DU LỊCH MAI CHÂU

Cơm lam

Món ăn đầu tiên và có lẽ là món ăn nổi tiếng nhất của Mai Châu là món cơm lam. Món ăn này không quá cầu kỳ với những ống nứa non, chứa đầy gạo và nướng trên bếp lửa, ăn kèm với muối vừng, thịt heo nướng… Tuy nhiên, chế biến món ăn này đỏi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Gạo là nguyên liệu quan trọng, khi nấu cơm lam, người ta lựa chọn loại gạo đặc trưng của vùng núi, hạt nhỏ, thuôn dài, khi chín tỏa mùi thơm nức.

Món cơm lam nướng hấp dẫn. Ảnh: sinhcafe

Xôi nếp nương

Đến Mai Châu, thưởng thức được nếp xôi do chính phụ nữ Thái làm mới có thể cảm nhận hết vị ngon. Người Thái luôn chọn nếp nương để làm xôi. Đó là loại nếp người Thái trồng trên những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng Mai Châu.

Món xôi nương ngũ sắc. Ảnh: ST

Nếp được ngâm nhiều giờ cho mềm trước khi đồ xôi. Người phụ nữ Thái không đồ xôi bằng nồi, xửng hấp như người Kinh mà cho nếp vào chõ gỗ. Nếp tự chín bằng hơi chứ không nấu. Việc chế biến rất kỳ công và đòi hỏi sự khéo léo. Sau khi có mùi thơm lừng thì lấy xôi ra, cho vào một cái rổ. Tuy nhiên, lúc này xôi chưa chín. Xới đều xôi trong rổ một hồi rồi cho vào chõ gỗ và đồ tiếp cho đến khi xôi chín. Hạt nếp nương giờ đã chín bóng bẫy, hương thơm xộc vào mũi thực khách.

Thịt lợn Mường

Lợn Mường hay còn gọi là lợn cắp nách, lợn mán, lợn “nít”,… là loại lợn thân hình dài, mõm nhọn, tai nhỏ, chân gầy, lông dài và cứng, được nuôi trong điều kiện tự nhiên, chăn thả trong rừng, chỉ ăn cây, cỏ, không ăn các loại thức ăn công nghiệp nên thịt chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon và có vị ngọt thịt tự nhiên khi ăn.

Đây là một trong những món ăn đậm đà hương vị vùng cao, là đặc sản không thể thiếu trong những bữa cơm đãi khách của người dân vùng núi Tây Bắc.

Món lợn Mường lạ miệng. Ảnh: ST

Măng đắng

Măng rừng là một đặc sản của vùng đất Mai Châu này và là thứ luôn có sẵn trong nhà bởi người dân thường lên rừng lấy măng về ngâm chua hoặc phơi khô để ăn dần. Đã có nhiều du khách nói vui khi thưởng thức món ăn này,họ tự đặt tên cho món măng đắng là món “Tình yêu” bởi vì khi mới thưởng thức các bạn sẽ thấy vị đắng của măng nhưng sau khi nuốt lại thấy vị ngọt của nước măng.

Ong rừng xáo măng chua

Ong rừng không dễ kiếm, chúng chỉ xuất hiện theo mùa, vì vậy nếu muốn được thưởng thức các món ăn được chế biến từ ong rừng bạn hãy lên Mai Châu vào dịp cuối hè. Những tổ ong rừng to bằng chiếc rổ con được người dân trong bản mang về vừa làm thuốc vừa chế biến ra những món đặc sản mà vùng đồng bằng không có được.

Thường những con ong già màu nâu được người dân mang ngâm rượu, còn làm món ăn thì chỉ chọn ong non có màu trắng béo tròn mập mạp. Ong rừng có thể rang với lá chanh như nhộng nhưng ở đây người dân thường xáo với măng chua.

Món ong rừng xáo măng chua. Ảnh: ST

Thịt gà đồi

Gà đồi là loại gà được thả trong vườn, trên đồi, trên rừng và được nuôi tự nhiên. Bất cứ ai đã ăn gà đồi Mai Châu chính gốc đều không thể quên được hương vị thơm ngon đặc biệt của nó. Thịt cực kỳ thơm ngon đặc trưng mà không một giống gà nào có được. Để thưởng thức món gà đồi này ngon nhất, chỉ nên luộc chín tới, lúc này thịt gà còn chắc và giòn, chấm cùng muối ớt trộn lá chanh, phần nước luộc ngọt lịm dùng để ăn kèm với cơm nóng.

Nước lá phao

Là loại nước uống đặc biệt ở Mai Châu, được nấu từ một loại lá cây rừng có sẵn. Lá cây sau khi được bẻ về, phơi khô rồi cắt nhỏ, sau khi nấu lên nước lá phao có vị chát, vừa có mùi của thuốc bắc, thuốc nam lại vừa có mùi ngai ngái của lá cây rừng. Nước lá phao uống rất tốt, vừa kích thích tiêu hóa, vừa có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể.

Để được tư vấn, nhận chương trình, báo giá Quý khách vui lòng liên hệ:

CÔNG TY TNHH CUNG CẤP DỊCH VỤ DU LỊCH THỜI ĐẠI

Hotline: 090 1702 666 – 0965 10 8386

Email: dulichthoidai@gmail.com

Website: www.dulichthoidai.com